Nguyên nhân vô lăng bị rung lắc khi phanh xe

Vô lăng là một trong những bộ phận không thể thiếu thuộc hệ thống lái xe trên ô tô. Trong một số trường hợp, tài xế gặp phải hiện tượng rung lắc gây ảnh hưởng đến khả năng điều khiển và sự an toàn của người của người lái. Dưới đây là một số nguyên nhân vô lăng bị rung lắc khi phanh xe

Đó là khi vành xe bị cong, mất cân bằng, mất đai ốc, bu lông trên các thanh kéo dọc, ngang của hình thang lái, trên thước lái…của hệ thống lái. Những trường hợp trên sẽ gây rung vô lăng trong suốt hành trình di chuyển chứ không chỉ lúc đạp phanh.

Nguyên nhân tiếp theo là khi xe chạy vào vệt lún hoặc khu vực có mặt đường xấu, nhiều ổ gà, sống trâu. Tuy nhiên, việc rung lắc này chỉ diễn ra khi xe đi vào những khu vực xấu, còn lại sẽ không bị.

Một nguyên nhân khác khiến vô lăng bị rung khi đạp chân phanh là sự mất cân bằng trong các chi tiết chuyển động quay của hệ thống phanh, ví dụ đĩa phanh đối với phanh đĩa hoặc tang trống đối với phanh trống hay còn gọi là phanh cơ.

Có nhiều nguyên nhân khiến phanh xe bị rung lắc. (Ảnh minh họa).

Có nhiều nguyên nhân khiến phanh xe bị rung lắc. (Ảnh minh họa).

Hiện tượng rung lắc vô lăng còn xảy ra khi các chi tiết quay bị mòn không đều hoặc có các chất bẩn, gỉ sét bám quá lâu vào bề mặt quay, làm cho việc chuyển động quay không ổn định, dẫn đến hiện tượng “đảo”, đặc biệt khi ở tốc độ thấp.

 

Thêm nguyên nhân nữa là các bề mặt này bị những vết xước lớn, sâu, vì vậy khi má phanh áp sát sẽ sinh ra lực va đập lớn, gây rung mạnh toàn bộ xe. Người điều khiển phương tiện sẽ cảm nhận được sự rung động này rõ ràng nhất trên vô lăng.

Để khắc phục, nhiều người chọn giải pháp thay thế đĩa hoặc trống phanh mới. Tuy nhiên việc thay mới sẽ phải bỏ ra một chi phí khá lớn. Do đó, trong trường hợp đĩa phanh bị cong vênh quá lớn, không thể hồi phục thì việc phải thay mới là yêu cầu bắt buộc. Còn trong trường hợp phanh mòn không đều hoặc do các vết xước gây ra có thể khắc phục, sửa chữa bằng việc tiện một lớp kim loại mỏng trên bề mặt.

Chiều dày lớp kim loại bị tiện sẽ phụ thộc vào độ mòn hoặc độ sâu trên bề mặt trống phanh hoặc đĩa phanh, nhằm đảm bảo các chi tiết này phải cân bằng sau khi sửa chữa, tránh hiện tượng rung vô lăng khi phanh. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng khi bề mặt trống phanh hoặc đĩa phanh bị “trơ”, cháy các bề mặt gây giảm hiệu quả phanh.

Do đó, khi phát hiện vô lăng bị rung khi đạp phanh, chủ xe phải xác định rõ nguyên nhân. Nếu là do mất bu lông hay đai ốc nào đó trên hệ thống lái thì cần phải bổ sung để hạn chế sự ảnh hưởng.

Trong trường hợp vô lăng bị rung đến từ hệ thống phanh như phân tích ở trên, nếu nghiêm trọng thì có thể thay thế ngay, nếu không nghiêm trọng thì chờ thời điểm thích hợp để thay thế.

Tuy nhiên không nên để tình trạng này kéo dài, bởi nó có thể làm đĩa phanh, trống phanh cũng như các má phanh mòn nhanh hơn. Ngoài ra lực va đập mạnh cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến các chi tiết khác của hệ thống phanh, làm tốn chi phí sửa chữa, thay thế sau này.

HÀ NAM(Tổng hợp)